Chuyên Khoa Nội Tổng Hợp

Bệnh Basedow có nhiều biến chứng nguy hiểm

13-01-2019 10:29

Basedow có nhiều biến loạn nguy hiểm

Năm 1840, K.Basedow, BS người Đức, mô tả đầy đủ lâm sàng một bệnh, gồm hội chứng cường giáp trạng với biểu hiện ăn nhiều, gầy nhiều, run tay, tim đập nhanh, hồi hộp…, bướu cổ lan tỏa và lồi mắt và bệnh mang tên ông. Năm 1955, tìm thấy một chất “kích thích tuyến giáp kéo dài”, có tác dụng kích thích tuyến giáp trạng giống hormone của tuyến yên nhưng không phải do tuyến yên tiết ra. Năm 1980 tìm thấy kháng thể chống lại cơ quan thụ cảm (recepter) của tế bào tuyến giáp ở trong máu của hầu hết bệnh nhân Basedow. Để dễ theo dõi xin giải thích: Tuyến yên, ở mặt dưới não, nhạc trưởng của các tuyến nội tiết, tiết ra một nội tiết tố (NTT) gọi là kích tố tuyến giáp (thyrotropic stimulating hormone – TSH). Chất này tác động nên recepter ở màng tế bào tuyến giáp để kích thích nó phát triển và hoạt động, tiết ra các NTT của tuyến giáp là Thyroxin (T3) và Triiodothyroxin (T4), điều hòa nhiều chuyển hóa cơ thể… Cho đến hiện thời chỉ mới biết Basedow (bệnh Graves, Parry, bướu giáp độc lan tỏa…) là bệnh cường tuyến giáp trạng do tự miễn dịch. Nghĩa là tế bào bạch cầu lympho T trở nên nhạy cảm với tuyến giáp và kích thích tế bào lympho B sản xuất kháng thể tấn công các recepter trên màng tế bào tuyến giáp. Đây là phát hiện đúng nhưng vì sao đang yên đang lành cơ thể lại sinh ra chất chống lại chính mình thì chưa cắt nghĩa được, nên gọi là bệnh tự miễn dịch và một số loại mô, cơ quan khác cũng có tình trạng này.

Hậu quả của phản ứng kết hợp kháng nguyên – kháng thể này làm tuyến giáp phì đại gấp 2 hoặc hơn, gây ra bướu cổ. Bướu thường không cân đối và cứng (đôi khi mềm, có thể tự sờ thấy), di động khi nuốt, sờ thấy rung như sờ lưng mèo (rung miu); khoảng 80% các ca Basedow nhìn rõ cổ to, 20% không thấy cổ to do bướu nhỏ hoặc phình to vào trung thất (bên trong lồng ngực) nhưng vẫn đủ các triệu chứng cường giáp – gọi là Basedow thể ẩn. Cùng với tăng kích thước, tuyến giáp bài tiết quá nhiều T3, T4, gây ra nhiều biến loạn chuyển hóa: Da mặt lúc đỏ lúc tái do rối loạn vận mạch; ngứa da và rối loạn sắc tố da với biểu hiện ban màu trắng ở mu tay và các chi. Tóc khô, cứng, rất dễ gãy, rụng; rụng lông; các móng tay, chân giòn dễ gãy hoặc bong móng, thường thấy nhất ở ngón nhẫn. Đầu các ngón tay, chân biến dạng thành hình dùi trống. Bệnh nhân khó chịu; mệt mỏi nhưng khó ngủ hoặc mất ngủ. Rối loạn điều nhiệt biểu hiện bằng những cơn nóng bừng, vã mồ hôi, nhất là ở ngực và bàn tay (dấu hiệu bàn tay Basedow). Run nhẹ và nhanh ở đầu chi, tăng lên khi xúc động hoặc cố gắng tập trung nên khó làm việc tinh tế như viết, khâu vá… Rối loạn tính cách và khí sắc: Lo lắng, dễ bị kích thích, dễ cáu gắt, dễ khóc, khó tập trung. Rối loạn tâm thần: Hưng cảm, lo âu, kích động hoặc trầm cảm. Bệnh nhân vẫn thèm ăn, ăn vẫn ngon nhưng gầy sút, mất vài cân cho đến 20kg trong vài tuần, vài tháng; đôi khi ngược lại, số ít bệnh nhân nữ trẻ lại tăng cân do ăn rất nhiều. Rối loạn tiêu hoá: Đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nát do tăng nhu động ruột (là những cử động co, giãn liên tiếp, đều đặn, lan truyền nhịp nhàng như sóng nước của cơ trơn ở ống tiêu hóa để đẩy thức ăn và làm dễ hấp thu dinh dưỡng), có thể buồn nôn, nôn, đau bụng (20% các ca Basedow). Vàng da do tắc mật và viêm gan. Da ở mặt trước – trong cẳng chân (diện sờ thấy mào xương chày (từ giải phẫu) ở ngay dưới da) và mu bàn chân sưng nề, sần sùi, màu nâu vàng hoặc tím đỏ (2 – 3% các ca). Yếu cơ tứ chi (cơ vân), nhất là các cơ gốc chi, đi lại nhanh mỏi, lên thang gác khó khăn, ngồi trên ghế đứng dậy phải dùng tay chống (dấu hiệu ghế đẩu); nhiều ca yếu cả cơ ở thân, cổ, cơ chân (ngoài gốc); nếu nặng, teo cơ vân, yếu cả cơ trơn ở đường hô hấp gây khó thở và cơ thực quản làm khó nuốt, nghẹn; thường bị chuột rút; vận động mi mắt chậm chạp. Nam giảm sinh hoạt tình dục, vú to; nữ kinh nguyệt thưa, ít đến vô kinh, vô sinh. Thường thấy loãng xương (hoặc ngược lại tăng canxi máu) ở người sau mãn kinh, lớn tuổi, gây biến chứng xẹp đốt sống, gãy xương tự nhiên, viêm quanh các khớp, nhiều nhất là khớp vai..Có thể nhìn thấy động mạch cảnh, dưới đòn, mạch chủ bụng, mạch đùi đập (thường thì không nhìn thấy); sờ thấy động mạch chủ bụng đập rất mạnh. Hay hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác nghẹt thở, đau vùng trước tim; nhịp tim thường trên 100lần/ph khi nghỉ ngơi, khi gắng sức hoặc xúc cảm nhịp tim nhanh hơn gây khó thở; hoặc rung tâm nhĩ tim (nhịp tim khoảng 250 lần/ph, 10% các ca); ngoại tâm thu thất (một nhịp tim nhanh, không có máu được đẩy đi, xen giữa hai nhịp bình thường); huyết áp tâm thu (số đo trên) tăng, huyết áp tâm trương (số đo dưới) không tăng. Ở người có bệnh tim từ trước thường dẫn đến suy tim và ác là suy tim do cường giáp kháng lại thuốc Digitalis (làm tim đập chậm lại). Quái ác hơn Basedow dễ đi kèm các bệnh lý tự miễn khác như suy vỏ thượng thận, suy cận giáp, suy tụy, nhược cơ nặng… trong toàn cảnh đa tự miễn nội tiết!

Bệnh đến giai đoạn muộn thường thấy mắt lồi gọi là bệnh mắt Basedow (40 – 60% các ca), một trong những biểu hiện lâm sàng nguy hiểm nhất. Do mô và các cơ vận nhãn trong mắt sưng phù, đẩy nhãn cầu ra trước, nên nhìn rõ nhãn cầu bị lồi và mắt có vẻ to hơn nhưng thực chất nhãn cầu không to ra. Bị đẩy quá quỹ đạo bảo vệ nên mắt nhắm không kín và mặt trước nhãn cầu bị khô, giác mạc đục dần. Cảm giác như có dị vật (cộm) một hoặc cả hai mắt, mắt đỏ hoặc viêm, sưng phù mi mắt và kết mạc, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, hạn chế vận động nhãn cầu. Nếu nặng, thường loét giác mạc cả 2 mắt, chỉ khoảng 10% loét 1 mắt, gây nhìn mờ, giảm cho đến mất hoàn toàn thị lực không hồi phục; có khi tổn thương cả thần kinh thị giác… Người hút thuốc lá, bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm gấp năm lần người không hút thuốc, vì tinh chất thuốc lá ức chế sự hấp thu thuốc kháng giáp trạng (điều trị Basedow).

Biến chứng chết người

Người mắc Basedow phải đề phòng bệnh cơ tim nhiễm độc giáp, biểu hiện dưới 2 dạng: Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp xoang nhanh (nhịp xoang bình thường 70 – 80l/ph, đều), hay ngoại tâm thu, hoặc rung nhĩ… Nguy hiểm hơn là suy tim cường giáp, mắc nhiều hơn ở người mang thai: Giai đoạn đầu là nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, tăng co bóp cơ tim…; giai đoạn sau là phù, khó thở, tim to, loạn nhịp, huyết áp giảm, giảm co bóp cơ tim. Đặc biệt nguy hiểm là cơn cường giáp cấp, thường xảy ra ở bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị kém hoặc sau một sang chấn (phẫu thuật, nhiễm trùng hô hấp, chấn thương, tai biến tim mạch, sau sinh…) hoặc không được hồi sức tốt (trước) khi phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp hay xạ trị. Bệnh cảnh lâm sàng là: Sốt cao 40 – 41oC; đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, vàng da; nhịp tim rất nhanh và loạn nhịp, suy tim, choáng trụy mạch; run nặng, kích thích, rối loạn nuốt, mê sảng, hôn mê. Hiếm hơn là lồi mắt ác tính và hiếm nhất là cơn bão giáp vô cảm (apathetic storm) với đặc trưng yếu cơ, vô cảm, rối loạn tâm thần…

Nguy cơ mắc bệnh cao nhất là di truyền (79%, 5% sinh đôi khác trứng, 50% sinh đôi cùng trứng, có gia đình cả 5 chị em gái đều mắc); thấp hơn là mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau đẻ; ăn thừa iôt; dùng thuốc lithium; ngừng thuốc corticoid; sau nhiễm khuẩn; các stress; hút thuốc lá. Với 2% nữ mắc Basedow (gấp 7 – 8 lần nam và thường phát hiện ở độ tuổi 20 – 40) là tỉ lệ mắc bệnh cao. Bệnh có thể chữa khỏi hoặc ổn định nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị.

Với những thông tin trên đây, nếu còn thắc mắc nào về bệnh cường giáp Basedow, vui lòng liên hệ :

PHÒNG KHÁM BÁC SỸ CÔNG

Địa chỉ: Số nhà 11, ngõ 20 Phố Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội.

Lịch khám: Thứ 7, chủ nhật: Từ 8h – 20h/   Thứ 2 đến thứ 6: Từ 18h – 20h

Email: nguyenvancongbvnt@gmail.com

Hotline: 0913 345 893/ 0243 754 5605

Website: www.phongkhambacsicong.com

để được tư vấn cụ thể.

Đặt khám để nhận chính sách tốt nhất
Lý do bạn nên chọn
Phòng khám đạt chất lượng cao
Đội ngũ bác sĩ giỏi trực tiếp khám
Cơ sở vật chất tiện nghi, thiết bị hiện đại
Chi phí khám hợp lý
Đội ngũ y bác sĩ tận tình, thân thiện
Chăm sóc khách hàng chu đáo

Tin Liên Quan